Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Chương 2 Thiên văn học cổ tư liệu từ bác sĩ Nguyễn Nhân Thọ

 

 Thiên văn học cổ tư liệu từ bác sĩ Nguyễn Nhân Thọ soạn dịch . Tôi coppy lại đề phòng mất line

Chương 2

Ít dòng lịch sử về Thiên văn học Trung Hoa

 

I- Ít nhiều công trình của các thiên văn gia Trung Hoa qua nhiều thế hệ

II- Thiên văn Trung Hoa với những ảnh hưởng ngoại lai

III. Ít nhiều sách thiên văn Trung Hoa qua các thời đại

A. Sách thiên văn từ đời Chu đến đời Lương (thế kỷ 6)

B. Các sách thiên văn từ thời Lương đến đầu đời Tống (thế kỷ 10)

 

Thiên văn Trung Hoa được các vua chúa chú ý từ thuở xa xưa. Ta không quyết đoán được thiên văn Trung Hoa đã khởi thủy tự bao giờ.

Gustave Schlegel, dựa vào cách thức đặt tên các vì sao, đã quả quyết rằng thiên văn Trung Hoa đã khởi thủy khoảng 17.000 năm trước kỷ nguyên.[1] Nói vậy e quá đáng.

Người Trung Hoa thường cho rằng nền thiên văn của họ bắt đầu với Phục Hi, khoảng 2850 năm trước kỷ nguyên.[2]

Đến thời Hoàng Đế (2697-2597), ta đã thấy dùng cách tính năm tháng, ngày theo chu kỳ lục thập hoa giáp.[3]

Hán Thư Nghệ Văn Chí đã ghi: «Hoàng Đế ngũ gia lịch tam thập tam quyển.»

Cháu 3 đời của Hoàng Đế là Chuyên Húc (2513-2435) rất có khiếu về thiên văn.

Trúc Thư Kỷ Niên viết: «Sau khi lên ngôi được 13 năm, vua bắt đầu làm lịch số và toán vị trí các sao trên trời.» [4]

Xuân Thu Tả Truyện cũng ghi nhận rằng đời vua Chuyên Húc đã có những quan coi về lịch, về Nhị phân (Xuân phân, Thu phân) và Nhị chí (Đông chí, Hạ chí) và đoán định các ngày đầu mùa.[5]

Đời vua Nghiêu (2356-2255) đã biết:

- Vị trí Nhị thập bát tú.

- Nhật nguyệt ngũ tinh.

- Đã định năm là 366 ngày.

- Đã biết phép đặt tháng nhuận.

Gaubil (1689-1759), một linh mục dòng Tên, sang Trung Hoa truyền giáo khoảng thế kỷ 18, đồng thời cũng là một nhà thiên văn học lỗi lạc, đã viết:

«Chúng ta thấy rằng vua Nghiêu đã biết năm có 365¼ ngày, và cứ 4 năm lại có 366 ngày. Chúng ta cũng thấy rằng họ đã biết trí nhuận để chia năm thành 4 mùa.» [6]

 « Tuyền ky

Vua Thuấn đã biết dùng Tuyền ky   và Ngọc Hành   để khảo sát sao Bắc Thần và định vị trí Bắc Cực.[7]

Đổng Tác Tân    trong quyển Ân lịch phổ   , đã tìm thấy trên những miếng xương có khắc chữ thời vua Vũ Đinh (1330-1281) có đoạn nói đến sao Điểu Tinh   (sao Tinh trong chòm sao Chu Tước).[8]

Trên một miếng xương khác có ghi: Ngày mồng 7 trong tháng (khoảng năm 1300 tcn) ngày Kỷ Tỵ, có một Tân đại tinh    hiện ra gần sao Hỏa.[9] Mảnh xương khác ghi: Đến ngày Tân Mùi thì Tân tinh ấy biến đi.[10]

 

 « Mảnh quy giáp ghi chép về Điểu tinh

Tân đại tinh đến gần sao Hỏa

Các thiên văn gia ngày xưa không phải là hiếm. Tấn Thư Thiên Văn Chí có ghi:

- Thời vua Nghiêu có Hi, Hòa.

- Thời Hạ có Côn Ngô.

- Thời Thương có Vu Hàm.

- Thời Chu có Sử Dật.

- Lỗ có Tử Thận.

- Tấn có Bốc Yển.

- Trịnh có Bì Táo.

- Tống có Tử Vi.

- Tề có Cam Đức.

- Sở có Đường Muội.

- Triệu có Doãn Cao.

- Ngụy có Thạch Thân.

Đời Tần tuy đốt các sách, nhưng các sách thiên văn thì không đốt.

- Đến đời Hán Cảnh Đế (156-140), Hán Vũ Đế (148-86) có cha con Tư Mã Đàm; rồi đến Lưu Hướng, Thái Ung, Tiều Chu, Tư Mã Thiên, Ban Cố, Tư Mã Bưu. Tất cả những vị này lại nối tiếp công trình, để cho người sau nương vào mà tiến lên.

Quan niệm của Joseph Needham sai biệt với Tấn Thư. Needham cho rằng Thạch Thân (người nước Tề), Cam Đức (người nước Vệ) và Vu Hàm là 3 nhà thiên văn cự phách của thời Chiến Quốc (481-249). Ba vị này đã lập ra những đồ bản thiên văn đầu tiên và định vị trí các sao. Công trình này được thực hiện vào khoảng năm 370 đến 270 tcn; và như vậy là trước công trình của Hipparque người Hi Lạp khoảng 2 thế kỷ (Hipparque đã lập đồ bản thiên văn vào khoảng năm 134 tcn).[11]

 

I. ÍT NHIỀU CÔNG TRÌNH CỦA CÁC THIÊN VĂN GIA TRUNG HOA QUA NHIỀU THẾ HỆ

Như ta đã thấy, thiên văn học Trung Hoa đã có một dĩ vãng xa xăm. Có thể nói được là môn học này đã phát triển sớm nhất thế giới, có thể có trước cả thiên văn học Babylone.

Thực vậy, tuy dân Babylone vốn khoe mình đã có thiên văn học từ 470.000 (!), nhưng khi Callisthène, cháu của Aristote, đi theo Alexandre sang chinh phục Ba Tư, thì chỉ thâu lượm và gởi về cho Aristote những tài liệu thiên văn Babylone xưa nhất là vào khoảng 2200 năm trước Thiên Chúa giáng sinh.[12]

Còn về phía Trung Hoa, như ta đã thấy, thiên văn học đã có từ thời Phục Hi (2858 tcn).

Văn Vương   (1231-1122) vừa thoát khỏi ngục Dũ Lý về Tây Kỳ đã nghĩ chuyện xây Linh đài để xem tinh tượng.[13]

Chu Công   (1122) là người đóng góp nhiều cho thiên văn học Trung Hoa. Ông lập đài quan sát ở Dương Thành gần Lạc Dương, dùng biểu can  竿 (gnomon) đo bóng mặt trời để định Đông Chí, Hạ Chí.

 

Đài Chu Công ở Dương Thành, xây khoảng 1276, trùng tu đời Minh

Như vậy là từ mấy ngàn năm nay Trung Hoa đã có thiên văn đài. Ta cũng nên biết để so sánh:

- Thiên văn đài Copenhague xây năm 1637.

- Thiên văn đài Paris xây ngày 21.6.1667.

- Thiên văn đài Greenwich xây vào năm 1675.[14]

Tuy nhiên Chu Công cũng không phải là người đầu tiên dùng biểu can  竿 (gnomon), để xác định Đông Chí, Hạ Chí. Đời nhà Thương (khoảng thế kỷ 13 và 14 tcn) đã biết dùng biểu can để xác định Đông Chí, Hạ Chí.[15]

Dùng Thổ Khuê và Biểu Can để đo nhật ảnh, xác định ngày Đông Chí

Nhờ Chu Công xác định vị trí của ngày Đông Chí một cách chính xác, nên sau này các nhà thiên văn thời Hán (khoảng năm 66 cn) đã có thể so sánh các kết quả khảo nghiệm của Chu Công và của họ để nhận định được rằng ngày Đông Chí, Hạ Chí cứ đi giật lùi trong các cung sao, ngược lại với chiều vận chuyển của mặt trời; và nhờ đó họ tìm ra được tuế sai (précession des équinoxes) tuy là sau Hipparque những hai thế kỷ.[16]

Sau này các nhà thiên văn Trung Hoa cũng còn dùng biểu can để đo độ lệch của vòng Hoàng Đạo, và để tính khoảng cách giữa các tỉnh.

Năm 89, Cổ Quì viết: «Ngày Đông Chí, mặt trời Bắc Cực là 115o, ngày Hạ Chí, cách Bắc Cực là 67o.» Đem chia đôi độ sai biệt trên, ta được 24o. Joseph Needham cho rằng người Trung Hoa xưa tính độ lệch của vòng Hoàng Đạo là 23o39’18’’. Lưu Hướng và Thái Ung đã cho rằng độ lệch của vòng Hoàng Đạo là 23o15/16.[17]

Như đã nói trên đây, biểu can còn được dùng để tính khoảng cách giữa nhiều tỉnh. Nếu dùng biểu can dài 8 tấc, thì bóng của biểu can đo vào ngày Đông Chí ở Lạc Dương (Dương Thành) sẽ là 1 thước 3, đo vào ngày Hạ Chí sẽ là 1 tấc rưỡi.

Hà Thừa Thiên, khoảng năm 445, đã đo nhật ảnh ở Giao Châu và Lâm Ấp.

Năm 349, khi Quán Thúy   theo đoàn quân Nam chinh, đi sang Lâm Ấp cũng đo nhật ảnh ở khoảng giữa vĩ tuyến 17o05 và 19o35 (khoảng các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa bây giờ) và ghi rằng vào ngày Hạ Chí bóng biểu can là 9 tấc 1.

Năm 721 và 725, Nam Cung Thuyết    và Nhất Hạnh   cũng dùng biểu can đo bóng ở nhiều nơi như ở 17o5 xứ Lâm Ấp (Chiêm Thành) (khoảng tỉnh Hà Tĩnh của Việt Nam).[18]

Lý Thuần Phong    ghi rằng năm Tống, Nguyên Gia thứ 19 đã trắc ảnh ở Giao Châu (Hà Nội) và ngày Hạ Chí đo được là 3 tấc 2 phân, cộng được là 1 thước 8 tấc 2 phân.[19]

Theo sách Chu Bễ Toán Kinh thì một tấc bóng là 1.000 dặm.[20] Nhưng theo Hà Thừa Thiên    thì 3 tấc 56 mới được 1.000 dặm.[21]

Sách Chu Bễ Toán Kinh ghi khoảng cách giữa Giao Châu và Lạc Dương là 11.000 dặm.[22] Joseph Needham ghi lại là 5.000 dặm.[23]

Như vậy thì phép tính của Trung Hoa cũng chẳng chính xác là bao lăm. Nhưng thật ra người Hi Lạp cũng đã theo nguyên tắc này để tính chu vi của trái đất.

Eratosthène (275-195) đo bóng mặt trời ngày Hạ Chí ở hai tỉnh Alexandrie và Syène cách nhau 5.000 dặm, mà ông cho rằng hai tỉnh này đều ở trên một đường kinh tuyến.

Ở Syène biểu can đúng ngọ ngày Hạ Chí không có bóng, như vậy là mặt trời ở ngay đỉnh đầu (90o). Còn ở Alexandrie thì mặt trời ở cách chân trời 82o58 tức là cách đỉnh đầu 7o2 hay 1/50 của vòng tròn.

Nếu Alexandrie và Syène xa nhau 5.000 dặm mà cách nhau bằng 1/50 vòng tròn trái đất thì chu vi của trái đất là: 5.000 x 50 = 25.000 dặm. Theo Paul Tannery thì mỗi dặm thời ấy là 157m50, cho nên chu vi trái đất sẽ là 25.000 x 157m50 = 39.375 km.[24] (Nay chu vi trái đất được định là 40.000 km).

Linh mục Gaubil cho rằng người Trung Hoa từ thế kỷ 2 trước kỷ nguyên đã có thể toán trước được nhật thực và mô tả được trước nhật thực sẽ xảy ra ở đâu và nhiều ít ra sao.[25]

Joseph Needham cho rằng Thạch Thân  , Cam Đức  , Vu Hàm   từ thời Chiến Quốc đã vẽ được những đồ bản thiên văn và đã định được vị trí các sao.[26]

Trương Hành   (thế kỷ 2 cn) đã biết dùng ống để xem sao.[27] Ông còn chế ra được Hồn nghi   (armillaire) tượng trưng cho bầu trời với đủ các đường Xích đạo, Hoàng đạo, trên đó có ghi đủ 24 tiết khí và trăng sao, lại có thể chuyển vận được nhờ sức nước.[28]

Tổ Hằng Chi    (khoảng năm 460 cn) đã khám phá ra rằng Bắc Cực không tướng ứng với một vì sao nào nhất định; lại nữa, ngay cả đến sao Bắc Thần (étoile polaire) cũng vẫn xoay quanh Bắc Cực chứ không phải ở giữa Bắc Cực như mọi người lầm tưởng.[29] Nhất Hạnh (thế kỷ 8) đã tìm ra rằng các kinh tinh (hằng tinh: étoiles fixes) cứ 83 năm lại xê dịch một độ (1o). Như vậy mỗi năm các sao chuyển dịch 45’’8.

Hipparque (190-125) cho rằng mỗi năm các sao chuyển dịch 46’’8. Ngày nay niên giám Thiên Văn Cục của Pháp (Annuaire du Bureau des Longitudes) cho rằng độ sai là 50’’2.[30]

Nhất Hạnh như ta đã thấy còn dùng biểu can để tính khoảng cách của nhiều tỉnh từ Lạc Dương đến Giao Châu và Lâm Ấp.[31]

Nhất Hạnh (683-727)Quách Thủ Kính (hình in trên tem Trung Quốc)

Quách Thủ Kính   , thế kỷ 13 (1276), không chịu dùng biểu can 8 tấc như xưa, mà đã xây một biểu can cao 40 thước. Chóp biểu can này không nhọn mà là một miếng đồng có trổ một lỗ nhỏ ở giữa để xác định ảnh tâm điểm của mặt trời.[32]

Năm 1959, khi cha Matthieu Ricci tới xem thiên văn đài xây trên một ngọn núi gần Nam Kinh đã phải lấy làm ngạc nhiên và thán phục vì thấy các dụng cụ để xem thiên văn đều bằng đồng đúc, chạm trổ rất khéo, rất đẹp; đẹp hơn tất cả các dụng cụ thấy ở Âu Châu. Những Dụng cụ này để ở ngoài trời 250 năm rồi mà vẫn y nguyên không suy suyển.[33]

 

II. THIÊN VĂN TRUNG HOA VỚI NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGOẠI LAI

Việc đi lại xưa kia tuy khó khăn nhưng Trung Hoa vẫn có những liên lạc với các nước láng giềng.

Ptolémée đã mô tả những con đường của các thương đoàn đi từ Âu Châu sang Trung Hoa bằng đường bộ như sau:

Khách thương tập trung ở Hiérapolis ở trên bờ sông Euphrate rồi đi đến Bactriane qua các thành phố Edesse, Ecbatane, Ragès thuộc xứ Hyrcanie và thành phố Antioche thuộc xứ Margiane.

Họ dừng lại ở Bactra để đợi các thương đoàn từ Ấn Độ tới, rồi đi Taschkend. Từ đó họ sang Trung Hoa.[34]

Cho nên khảo lịch sử thiên văn học Trung Hoa ta thấy có những vay mượn ở nước láng giềng. Điều này cũng chẳng có gì là lạ lùng cả.

Đời Đường, thiên văn học Trung Hoa chịu ảnh hưởng của Ấn Độ.

- Tùy Thư có ghi quyển Bà La Môn thiên văn kinh.

- Năm 759, Bất Không (Amoghavajra) đã dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Hoa quyển Túc Diêu kinh.

- Năm 665, Già Diệp Hiếu Uy đã giúp Lý Thuần Phong làm lịch.

- Khoảng năm 708, Già Diệp Chí Trung và Già Diệp Tế đã áp dụng khoa thiên văn vào quân sự.

- Năm 729, Cù Đàm Tất Đạt (Gautama Siddahrtha) đã làm quyển Khai Nguyên Chiếm kinh thâu lượm hết những tài liệu thiên văn Trung Hoa thời cổ.[35]

Đến thế kỷ 8 và 9, thiên văn học Trung Hoa lại chịu ảnh hưởng của Ba Tư. Khoảng năm 719, nhà thiên văn học Ba Tư là Đại Mộ Đồ từ Jaghanyan (Bactriane) tời Trung Hoa. Sau đó nhiều sách thiên văn đã được dịch từ tiếng Khuông Cư (Sogdiane) và Ba Tư sang tiếng Trung Hoa.[36]

Những sách thiên văn sau đây đã chịu ảnh hưởng của Ba Tư:

Thất Diệu Lịch của Ngô Bá Hỉ.

Thất Diệu Tinh Thần Biệt Hành Pháp.

- Thất Diệu Lịch Số Toán Kinh của Triệu Phỉ.

Thời Nguyên, các thiên văn gia Trung Hoa cộng tác chặt chẽ với các thiên văn gia Hồi giáo (Ba Tư và Ả Rập).[37]

Thời Mãn Thanh, triều đình hết sức trọng dụng các vị linh mục dòng tên vì họ rất giỏi thiên văn.

- Cha Kogler được cử làm giám đốc Khâm Thiên Giám.[38]

- Cha Verbiest được cử làm giám đốc Thiên văn đài Bắc Kinh và ngài đã hoàn toàn trang bị lại Thiên văn đài này (1672).[39]

- Sau này, cha B.K. Stumpf (Kỷ Lý An) cũng làm giám đốc Thiên văn đài Bắc Kinh và ngài đã phá bỏ các dụng cụ thiên văn xưa để lấy đồng đúc một kính tứ phân (quadrant).[40] Việc này làm cho các học giả Trung Hoa bất mãn.[41]

Các linh mục dòng Tên cũng đã viết hoặc đã cộng tác viết nhiều quyển sách thiên văn có tiếng như:

Sùng Trinh Lịch Thư của Schall von Bell.

Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành (1726) với sự đóng góp về thiên văn học của Ignatius Kogler (Đới Tiến Hiền) và Andrew Pereira (Từ Mậu Đức).

Tây Dương Tân Pháp Lịch Thư, v.v.[42]

Schall von Bell (Thang Nhược Vọng, 1591-1666) trong quan phục Mãn Thanh

 

III. ÍT NHIỀU SÁCH THIÊN VĂN TRUNG HOA QUA CÁC THỜI ĐẠI

Người Trung Hoa đã viết rất nhiều sách về thiên văn. J. Needham trong quyển Science and Civilisation in China, Vol.III, đã cho ta một danh sách hết sức đầy đủ. Ở đây chúng ta chỉ điểm qua vài bộ sách chính:

A. SÁCH THIÊN VĂN TỪ ĐỜI CHU ĐẾN ĐỜI LƯƠNG (THẾ KỶ 6)

1. Nghiêu Điển (một chương trong Thư Kinh, thế kỷ 5).

2. Nguyệt Lệnh (một thiên trong Lễ Ký, thế kỷ 3).

3. Nguyệt Lệnh (12 quyển đầu trong bộ Lã Thị Xuân Thu, 240-239).

4. Hạ Tiểu Chính (thế kỷ 7 hay 5).

5. Thiên Văn của Thạch Thân, viết khoảng 370, thất lạc từ thời Lương.

6. Thiên Văn Tinh Chiếm của Cam Đức, viết khoảng 270, thất lạc từ thời Lương.

7. Chu Bễ Toán Kinh.

8. Thiên Văn (một chương trong Hoài Nam Tử, viết khoảng năm 150).

9. Thiên Quan Thư (chương 27 trong bộ Sử Ký Tư Mã Thiên, viết khoảng năm 90).

10. Tiền Hán Thư (chương 26) của Ban Cố.

11. An Thiên Luận của Ngu Hỉ (khoảng 307-338).

12. Hồn Thiên Tượng Thuyết của Vương Phiền (đã được Eberhard và Mušller bình dịch dưới nhan đề Discourse on Uranographic Models trong bộ Contributions to the Astronomy of the San Kuo period).

13. Thiên Văn Lục của Tổ Hằng Chi.[43]

B. CÁC SÁCH THIÊN VĂN TỪ THỜI LƯƠNG (THẾ KỶ 6) ĐẾN ĐẦU ĐỜI TỐNG (THẾ KỶ 10)

Cuối thế kỷ 6, đời nhà Tùy:

1. Bộ Thiên Ca của Vương Hi Minh.

2. Thiên Văn Đại Tượng Phú của Lý Bá (cuối Tùy, đầu Đường).

Đời Đường (thế kỷ 7-9):

1. Tấn Thư (có những chương về thiên văn).

2. Tùy Thư (có những chương về thiên văn).

3. Khai Nguyên Chiếm Kinh của Cù Đàm Tất Đạt.

4. Bà La Môn Thiên Văn Kinh (đã thất lạc).

5. Túc Diệu Kinh của Bất Không dịch.

6. Đô Lợi Duật Tư Kinh (dịch từ tiếng Ba Tư).

7. Tứ Môn Kinh của Adam thuộc đạo Nestoriens.

8. Thất Diệu Tinh Thần Biệt Hành Pháp (khoảng thế kỷ 8).

9. Thất Diệu Lịch của Ngô Bá Hỉ (755) (ảnh hưởng Ba Tư).

10. Thất Diệu Lịch Số Toán Kinh của Triệu Phỉ.

11. Thiên Đối của Liễu Tông Nguyên.

Đời Tống, Nguyên, Minh (từ thế kỷ 10 đến 17):

Vua Tống Thái Tông (976-997) có một tủ sách lớn về thiên văn gọi là Thiên Văn Các, gồm nhiều sách thiên văn tổng cộng là 2561 chương.

Bộ Thông Chí Lược của Trịnh Tiêu có ghi 369 quyển thiên văn, lịch số. Lược kê như sau:

Thiên văn 73 quyển, gồm có:

1. Linh Hiến Đồ Ký.

2. Hồn Thiên Đồ Ký.

3. An Thiên Luận của Ngu Hỉ, thế kỷ 4.

4. Luận Nhị Thập Bát Tú, nhị bách bát thập quan đồ.

5. Luận Nhị Thập Bát Tú Độ Số.

6. Thái Tượng Huyền Cơ Ca của Lữ Khâu Sùng.

7. Thái Tượng Huyền Văn của Lý Thuần Phong.

8. Hồn Nghi Pháp Yếu của Hàn Hiển Phù.

9. Tư Thiên Giám Tu Tri.

10. Thiên Văn Ấn Độ (6 quyển).

11. Đẩu Số (64 quyển).

v.v.

Trong bộ Toại Sơ Đường Thư của Vưu Mậu, thấy có những quyển thiên văn, lịch số sau đây:

1. Tú Lịch Báo Thực Khảo.

2. Kỷ Nguyên Lịch Kinh.

3. Cao Ly Nhật Lịch.

4. Thổ Khuê Pháp.

5. Ngân Hà Cục Bí Quyết.

6. Ngưỡng Thị Toản Vi.

7. Linh Đài Bí Yếu của Vương Hi Nguyên (khoảng năm 1000).

8. Tân Nghi Tượng Pháp Yếu của Tô Tụng.

9. Mộng Khê Bút Đàm của Trầm Quát (1086).

10. Linh Đài Bí Uyển của Dưu Quý Tài.

11. Quản Khuy Tập Yếu.

12. Lục Kinh Thiên Văn Biên.

Đời Nguyên (1280-1333), đời Minh (1368-1628):

1. Tinh Mệnh Tổng Quát của Gia Luật Thuần.

2. Cách Tượng Tân Thư của Trịnh Hữu Khâm.

3. Văn Hiến Thông Khảo của Mã Đoan Luân (khoảng 1319).

4. Tượng Vĩ Tân Biên của Vương Khả Đại (1450).

Đời Thanh (1644-1909):

1. Đại Từ Điển Đồ Thư Tập Thành.

2. Sùng Trinh Lịch Thư của Schall von Bell.

3. Tây Dương tân Pháp Lịch Thư, v.v.

Cũng ghi nhận rằng người Âu Châu đã viết rất nhiều về thiên văn học Trung Hoa. Các tác phẩm của Gaubil, Léopold Saussure, Maspéro, Gustave Schlegel, v.v. là những tài liệu quý giá cho những ai khảo cứu về thiên văn học Trung Hoa.

***

Đọc lịch sử thiên văn học Trung Hoa ta thấy có hai phần tách biệt:

1. Phép xem sao đoán điềm. Phép này càng ngày càng suy vi, mai một.

2. Khoa học thiên văn với công cuộc khảo sát tinh tượng, đoán định chu kỳ của các hành tinh cũng như vị trí của mặt trăng, mặt trời và các hành tinh trong mỗi năm mỗi tháng, ghi chép hết mọi hiện tượng xảy ra trên trời. Về phương diện này ta thấy người Trung Hoa cũng đã đi hết chặng đường của sự tìm hiểu vũ trụ bằng đôi mắt thường.

Từ thế kỷ 16 trở về trước, thiên văn Trung Hoa có thể trội hơn thiên văn Âu Châu. Nhưng từ thế kỷ 16 trở về sau, nó càng ngày càng thua sút thiên văn Âu Châu vì ba lý do:

- Âu Châu đã sáng chế được Thiên lý kính từ 1609.

- Vì Âu Châu càng ngày càng biết áp dụng toán học vào thiên văn học.

- Vì Âu Châu sau này đã có nhiều nhân vật cự phách như: Galilée (1564-1642), Képler (1571-1639), Copernic (1473-1543), Tycho-Brahé (1546-1601), Halley (1656-1742), Flamsteed (1646-1719), Laplace (1749-1827), Cassini (Jean Dominique, 1625-1712), Herschell (1738-1822), Le Verrier (1811-1877), v.v.

CHÚ THÍCH

[1] Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, tập 2, tr. 713, 796.

 «…En 1879, Schlegel, officier de la marine, explorateur et sinologue, calculait que les coordonnées astronomiques indiquées dans certain ouvrage chinois correspondaient à l’an 16.916 avant Jésus Christ. D’où il concluait sans broncher que les chinois faisaient des calculs astronomiques 17.000 ans avant notre ère…» (Henri Michel, Méthodes astronomiques des hautes époques chinoises, tr. 5)

[2] Cổ giả Bào Hi lập chu thiên lịch độ. (Chu Bễ Toán Kinh, tr. 1)

[3] Xem Trúc Thư Kỷ Niên trong quyển The Shoo King của James Legge.

[4] Trúc Thư Kỷ Niên, tr.110.

[5] Xuân Thu, Chiêu Công XVII.

[6] James Legge, The Shoo King, p.21, notes.

[7] Tuyền Ki Ngọc Hành là một khí cụ dùng để khảo sát sao Bắc Thần và định vị trí Bắc Cực. Từ trước đến nay ít người hiểu được Tuyền Ki là gì. Mãi đến năm 1959, học giả Henri Michel mới chứng minh được rằng Tuyền Ki là một dụng cụ dùng để quan sát sao Bắc Thần và định vị trí Bắc Cực. Xem: Henri Michel, Méthodes astronomiques des hautes époques chinoises, p. 10-13; J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p. 332-339; Trung Quốc Ngũ Thiên Niên Sử, q.1, tr.72,73. Ảnh trên cũng lấy từ trang 73 sách này.

 Chu Bễ Toán Kinh viết: Chính Bắc Cực tuyền ki chi trung. Chính Bắc thiên chi trung. Cực xứ tuyền ki chi trung, thiên tâm chi chính, cố viết tuyền ki dã. Chu Bễ Toán Kinh, quyển hạ, tr.3a.

[8] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p. 242-244.

[9] Ib. p. 424.

[10] Ib. p. 425.

[11] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.197, 263.

Xem: E. Doublet, Histoire de l’astronomie, tr.101.

[13] Mạnh Tử, Lương Huệ Vương chương cú thượng, câu 2.

[14] E. Doublet, Histoire de l’astronomie, tr. 298, 310, 317.

[15] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.293.

[16] E. Doublet, Histoire de l’astronomie, tr. 47, 48.

[17] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.287- Cổ Quì. Độ lệch của vòng Hoàng Đạo hiện nay được định là 23o27’. Tuy nhiên độ lệch này cũng tùy thời gian mà tăng giảm chứ không phải nhất định. Xem Camille Flammarion, Astronomie populaire, tr.12.

[18] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.292-293.

[19] Chu Bễ Toán Kinh, tr.1.

[20] Chu Bễ Toán Kinh, tr.1.

[21] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.292.

[22] Chu Bễ Toán Kinh, tr.1.

[23] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.292.

[24] E. Doublet, Histoire de l’astronomie, tr. 92.

[25] J.B. Du Halde, Description géographique, historique, chronologique, politique et physique de l’Empire de la Chine et de la Tartarie chinoise, tập 3, tr.339.

[26] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.263.

[27] E. Doublet, Histoire de l’astronomie, tr. 49.

[28] Tấn Thư - Thiên văn chí, quyển 2, tr.5.

[29] E. Doublet, Histoire de l’astronomie, tr. 48 (Tổ Hằng Chi).

[30] Ibid. p.50.

[31] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p. 292, 293.

[32] E. Doublet, Histoire de l’astronomie, tr.51.

[33] J.B. Du Halde, Description géographique, historique, chronologique, politique et physique de l’Empire de la Chine et de la Tartarie chinoise, tập 3, tr.340.

[34] Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, q.2, tr.783-784.

[35] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.202.

[36] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p.203-204.

[37] Ibid. p.208.

[38] J.B. Du Halde, Description géographique, historique, chronologique, politique et physique de l’Empire de la Chine et de la Tartarie chinoise, tập 3, tr.339, 355.

[39] Ibid. p.339, 355.

[40] J. Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p. 425 note a.

[41] Ibid., p. 380 note a.

[42] Ibid., p.448.

[43] Tất cả đoạn này đều lược dẫn Joseph Needham, Sđd., từ các trang 196, 197 trở đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét